Ca sĩ Trọng Tấn: ‘Tôi sẵn sàng vào bếp nấu ăn cho vợ’27/10/2015

Nói về lý do để bà xã cuốn vào công việc của chồng như kinh doanh nhà hàng, công ty giải trí… Trọng Tấn cười hạnh phúc: “Đó là giá trị hạnh phúc và chúng tôi chia sẻ cùng nhau".

 

 

- Vừa đi hát vừa lao đầu vào kinh doanh nhà hàng, công ty giải trí, anh gặp khó khăn gì?

 

- Tôi là người thích thú việc đa dạng cuộc sống của bản thân. Năm vừa qua mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm mới khi vừa làm âm nhạc vừa kinh doanh nhà hàng, hay điều hành công ty giải trí Hoa Đăng. Tôi nghĩ, người đầu tàu không phải là người biết làm mọi việc. Họ phải biết trân trọng những người làm chuyên môn.

 

Tôi không cần quá nhiều năng lượng để phân bổ cho các mảng công việc khác nhau. Tôi tôn trọng những người đồng hành, có chuyên môn chứ không "đá lấn sân".

 

- Bà xã giúp anh như thế nào khi khối lượng công việc của chồng ngày càng tăng lên?

 

- Bà xã tôi từng học ngành quản trị kinh doanh và ngoại ngữ nên có con mắt nhìn để chia sẻ công việc với chồng. Đi cùng tôi suốt những năm qua nên cô ấy hiểu hơn, yêu hơn các hoạt động nghệ thuật của chồng. Vì thế, vợ tôi ngày càng có những nhận định đúng hơn về thị trường âm nhạc.

 

Mọi người có thể không biết nhưng bà xã là người thường xuyên đưa ra các ý tưởng để tôi thực hiện các đĩa nhạc, MV... Đôi khi cô ấy còn là người nhắc việc cho tôi. Vợ thường gợi ý về khách mời, nhắc lại một vài bài hát có thể bỏ sót trong khâu biên tập...

 

- Vì sao anh lại để vợ cuốn quá nhiều vào công việc của mình như thế?

 

- Chúng tôi cùng nhau chia sẻ mọi việc chứ không phân việc nội trợ, chăm sóc con cái là do bà xã, còn tôi là đàn ông chỉ phải lo kiếm tiền. Tôi muốn có sự chia sẻ giữa hai người và mọi việc trong gia đình cũng đều được đưa ra bàn luận dân chủ.

 

Bản thân tôi thích được chia sẻ với bà xã dù là việc nhỏ nhất. Nếu có thời gian, tôi sẽ không bao giờ nhờ người giúp việc đi đón con. Tôi vẫn ngồi dạy con học toán, làm văn... Tôi có thể nhảy vào bếp nấu thịt kho tàu cho vợ.

 

Tôi gọi đó là giá trị chia sẻ. Điều này vui và hạnh phúc lắm. Trong mắt mọi người tôi là người bình thường như vậy.

 

- Vậy âm nhạc của anh thì sao? Yên vị trên ngai “ông hoàng nhạc đỏ” nhưng nguồn đề tài của mảng này đang cạn dần. Anh có "tính toán" sự chuyển hướng nào mới chưa?

 

- Tôi sẽ hát những tác phẩm mà mình chưa hát, làm mới những tác phẩm khác để công chúng lắng nghe và yêu thích. Khán giả hâm mộ đã chấp nhận Trọng Tấn, chấp nhận dòng nhạc cách mạng và trữ tình. Tôi sẽ mở rộng những bài cùng dòng nhạc, cùng đề tài.

 

- Anh từng hát pop và khá thành công đấy chứ?

 

- Với pop mọi người sẽ thích nghe người khác hát hơn. Nói như thế không có nghĩa tôi ngồi yên. Tôi từng thu âm đĩa nhạc Ngõ vắng xôn xao với dòng nhạc pop/ballad, đỉnh cao nhạc pop một thời của các nhạc sĩ như Từ Huy, Thanh Tùng... của thập niên 1990.

 

Trong 9, 10 đĩa Trọng Tấn hát chính ca, có một đĩa nhạc nhẹ nhõm như vậy, khán giả cũng sẽ thấy sự thú vị, lạ lẫm hơn. Và tôi cũng chỉ mong muốn làm được điều này cho khán giả mà thôi.

 

- Anh tổ chức concert vào ngày 21/11 với tên gọi "Bài ca không tên", nghe có cũ quá với khán giả bây giờ?

 

- Không hề cũ, trái ngược lại, rất mới. Có đến 99% là những tác phẩm mới. So với những live show trước của tôi, đêm nhạc lần này gần như mới hoàn toàn.

 

Khi thực hiện ý tưởng đó tôi cũng cảm thấy áp lực. Sẽ hát lại Tiếng đàn bầu, Nơi đảo xa, Những ánh sao đêm... ư? Mọi người nghe rất nhiều lần, có thể họ vẫn thích nhưng tôi nghĩ, mình chỉ có như vậy thôi sao? Trong mảng này, không thiếu những ca khúc trữ tình hơn, trẻ trung hơn nhưng tôi chưa hát bao giờ. Và tôi sẽ hát những ca khúc đó.

 

Không gian live show sẽ hoàn toàn khác với việc khán giả ngồi nhà nghe đĩa, người nghệ sĩ trình diễn sẽ khám phá bản thân, kể câu chuyện mới hơn và khán giả sẽ bị hấp dẫn bởi điều đó.

 

- Ngoài bộ ba Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn, khách mời trong live show sắp tới của anh còn có Hồ Quỳnh Hương. Anh sẽ làm gì để mình tỏa sáng và 3 khách mời còn lại không bị lu mờ?

 

- Live show lần này là sự đối thoại của tôi với mọi người, không phải lắp ghép họ vào chương trình để cho có thêm bài, để có khoảng trống nghỉ giải lao hay thay quần áo... Dù rằng có 3 ca sĩ khách mời nhưng chỉ có 2 mảng âm nhạc nối liền nhau. Tôi với Đăng Dương, Việt Hoàn là một mảng và tôi với nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương lại là một mảng khác.


- Vì sao anh lại mời nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương mà không phải là một ai khác?

 

- Tôi có mối quan hệ khá tốt với những anh, chị, em trong nghề và khá dễ dàng để mời những nghệ sĩ cùng hợp tác, từ Thanh Lam, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương hay cả những nghệ sĩ khác hoạt động ở trong Nam… Tôi nghĩ, ẩn sâu bên trong đó là trân trọng lẫn nhau.

 

Hồ Quỳnh Hương từng mời tôi tham dự live show, làm cố vấn trong cuộc thi Nhân tố bí ẩn mùa vừa qua. Chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với nhau về âm nhạc, nhưng trên hết, là cùng chung yêu thích ở mảng ca khúc classic (cổ điển) và semi-classic (bán cổ điển). Hai anh/em đã nghĩ đến một đêm nhạc trọn vẹn như thế nhưng vì điều kiện chưa cho phép nên mời Hương hát trong đêm nhạc sắp tới.

 

- Anh rời Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng khá lâu, anh có nhớ nghề dạy? 

 

- Hiện tại tôi chỉ giúp đỡ những học sinh cũ hoặc những bạn tham gia các cuộc thi âm nhạc. Tôi chỉ giúp các học trò trong khoảng thời gian nhất định, để họ hoàn thiện hơn chứ không dạy kiểu bài bản như ở trong trường.

 

Tôi đi dạy cũng hơn chục năm với nhiều lứa học trò khác nhau nhưng những người ghi danh thực sự thì chưa có. Tuy nhiên, nói về thị trường âm nhạc khán giả sẽ nhớ đến những cái tên như Hồng Dương (M4U), Lê Kim Long, Dương Tùng Lâm (Sao Mai)...

 

Nói thật, nghề dạy đôi khi cả đời mới có 1 đến 2 học sinh thành danh. NSND Trần Hiếu là người thầy của tôi, đếm trên đầu ngón tay cả cuộc đời dạy của ông cũng chỉ có vài người như tôi, anh Tấn Minh, chị Trần Thu Hà...