Ca sĩ Trọng Tấn: “Lãng quên không phải khước từ, mà là xếp lại”09/11/2015

 

“Nhưng giờ đây có giây phút bình yên sao tôi quên, sao tôi quên…” – đó có lẽ là câu hát ám ảnh tôi nhất trong “Bài ca không quên”. Hẳn là người ta phải nhớ lắm, phải trân trọng quá khứ của mình lắm, người ta mới có thể tự vấn mình bằng một câu hỏi lớn và sâu sắc đến vậy” - ca sĩ Trọng Tấn trải lòng với “Buffet cuối tuần” về những điều không dễ gì nguôi quên trong cuộc sống, cả cách học quên, nhân live show “Bài ca không quên” của anh (sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội vào ngày 21.11 tới).

 

 
“Đi ra thì nhớ khép cửa!”
 
Tôi nói điều này, anh đừng giận nhé! Có một lần, tôi từng nghe ai đó trách anh rằng vẻ như anh đã quên họ, dù từng là bạn nối khố. Thật ra, đã bao giờ anh tự dằn vặt mình về cái lẽ nhớ - quên trong cuộc sống?
 
- Trong nhịp sống bận rộn này thì tôi nghĩ bất kỳ ai cũng khó mà tránh khỏi việc trót quên ai đó hay một điều gì đó, thậm chí từng rất quan trọng đối với mình. Chẳng ai có thể chu toàn bằng hết với mọi người mọi nơi mọi lúc và ngay cả với những thứ mình đã đi qua hay từng sâu nặng.
 
Khác chăng là sự quên ấy, nó là vô tình hay cố ý mà thôi. Sẽ là một “tập rỗng”, chẳng còn gì hết, chẳng đi đến đâu và cũng chẳng còn gì để nói, khi con người ta cố tình quên hay cố tình giẫm lên những điều lẽ ra không nên quên ấy. Nhưng sẽ vẫn còn đó - như một thứ phù sa lắng đọng có lúc nào đấy lại cồn lên, cho mỗi một lần nhớ ra và trở lại, dù là thảng hoặc, khoảnh khắc, hay chỉ là một nỗi nhớ mơ hồ không được gọi tên.
 
Chẳng dễ gì chia động từ nhớ - quên một cách chủ động, khi phần nhiều, nó là vô thức. Nhưng phần nào đó, tôi vẫn tin rằng, một người biết nghĩ và biết sống, họ sẽ chẳng dễ gì thay đổi theo cách mà cuộc sống muốn điều khiển hay “thử lòng” họ. Ai thì cuối cùng cũng vẫn là ai thôi, nếu như bạn thực sự muốn là…
 
Nói một cách nôm na là “tình cũ không rủ cũng tới”, theo nghĩa rộng?
 
- Đúng rồi! Vì mới, chắc gì đã hơn? Và cũ, chắc gì chịu cũ? Tuy nhiên, một mặt, đôi lúc tôi cũng vẫn học cách để quên, vì không thể thụ động trước cái sự “rủ” nhiều khi như… trêu ngươi ấy được. Chưa kể, có khi còn hơi đường đột quá.
 
Từ lâu tôi đã thoát ra được khỏi cảm giác cứ phải đắm chìm mãi trong quá khứ, cứ phải ám ảnh day dứt mãi vì một điều gì đấy, dù đúng dù sai, dù có thể làm khác… Vì có những quyết định, cứ cho là sai đi, nhưng nó là mình, ở thời điểm đấy, rằng lúc đấy mình chỉ nghĩ được đến thế, thấy được đến thế, và có thể nó là đúng, là đẹp lúc ấy, thì sao mình lại phải trách mình?
 
Người ta, phần nhiều, là đâu thể lớn trước tuổi mình. Kỷ niệm, dù đẹp hay xấu, thì rốt cuộc cũng chỉ là kỷ niệm, là những điều đã qua, không thể nào khác được. Lãng quên đôi khi không phải là sự khước từ mà đơn giản, chỉ là cách xếp lại, để mở ra một cánh cửa mới, và có thế, mới đứng dậy được để đi ra.
 
“Về thu xếp lại” – nói như Trịnh Công Sơn! Mà cũng có thể, đấy là cách chúng ta thường dùng để “ngụy biện” cho sự quên ấy của mình?
 
- Nhưng biết đâu, nhớ cũng chính là cách bạn tự huyễn hoặc mình? Bạn có tin rằng, trong khi bạn cố nhớ ai đó, hay một điều đó, và bạn nghĩ rằng người được bạn nhớ sẽ hạnh phúc, thì bản chất của đời sống nó vẫn luôn vô thường vậy, sông vẫn chảy, mây vẫn trôi – như chính bạn cũng phải đi và đến. Hoặc, đôi khi bạn cứ nhớ mãi một điều tốt đẹp, chỉ vì bạn không có được sự thành công trong cuộc sống.
 
Đừng quá đắm chìm trong quá khứ, và hãy luôn nhớ rằng hiện tại mới chính là điều quan trọng nhất. Hãy cố gắng nghĩ đơn giản rằng, bạn từng có một ngôi nhà, bạn đã được chở che nhờ nó, và bạn cũng từng phần nào sưởi ấm nó. Thế nên khi bạn đi ra, bạn hãy nhớ khép cửa để giữ ấm nó, ít ra là trong tim bạn. Vậy có thể cũng đã là đủ, cho cả người ở lẫn người đi…
 
“Thao thức hằng đêm theo tôi chả ích gì!”
 
Trong “ngôi nhà khép cửa” ấy của anh, những ngọn lửa nào là ấm áp?
 
- Nói thế thôi, chứ mỗi khi nhớ lại, cũng là vui lắm. Giữa những khoảng lặng của cuộc sống, đôi khi tôi bỗng dưng nhớ lại 1-2 người bạn từng lang thang với mình, hoặc đèo nhau đi học suốt thời cấp III. Giờ, mỗi lần về quê, lại vẫn hỏi thăm nhau những câu không lẫn vào đâu được: “Giừ mi lâu ni làm răng?”, nghe thân thương và ấm áp vô cùng. Hay thời học nhạc viện, thì là những người bạn ở cùng phòng, góp gạo thổi cơm chung, tới bữa tên này nhặt rau, tên kia cắm cơm, và Trọng Tấn thì luôn là cái thằng đi chợ, nấu ăn, ghi chép sổ sách, mấy gạo, mấy thịt, để cuối tháng còn “bổ đầu người”.
 
Thời ở chung nhà với anh Tấn Minh, rồi Việt Hoàn, đừng nói đàn ông không sợ buồn, cũng có lúc cần nhau lắm đấy! Rồi sau đó là một gian nhà trọ rộng đâu chừng chưa được 10m2, chỉ đủ kê mỗi cái giường và cái xe máy, sáng sáng ngẩng lên là bức tường nhà chủ nhà cao vút, ngả bóng lên cái lối đi rộng chưa tới 1m, tối sầm. Nhớ cả những ngày đầu tiên nhen tổ ấm, hai vợ chồng đèo nhau đi khắp mấy cái làng ven đô, có lúc còn suýt mua phải đất giải tỏa biên bằng giấy viết tay, cuối cùng lại mua được tận mấy chục mét đất ở một ngôi làng không quá xa trung tâm có cái cổng làng đẹp ơi là đẹp. Rồi ngôi nhà đầu tiên cứ từng bước được đắp lên trên từng mấu sắt, nay ít vữa, mai ít gạch, nương theo những đồng cát sê mọn, thế mà dần thành hình một ngôi nhà 4 tầng…
 
Vậy đấy, rốt cuộc, thực ra là không quên được cái gì cả, ngay cả những điều mà chính mình, nhiều lúc cũng tưởng đã quên…
 
Người ta bảo, đàn ông thường giỏi chia động từ “quên” hơn đàn bà, anh có nghĩ thế?
 
- Cũng tùy người, chẳng hẳn. Khác chăng là, cái cách bạn chia động từ đó thế nào, và để làm gì. Sẽ nhẹ nhàng hơn nếu bạn tìm được lời giải đáp và dám đối diện với nó dù sai dù đúng.
 
Như đã nói, tôi không bao giờ để cơ thể hay thần kinh của mình rơi vào một trạng thái gì đó quá dài, nhất là khi gặp chuyện không suôn sẻ. Trước mọi chuyện, tôi luôn nghĩ đến việc phải xử lý thật nhanh, để sớm có được sự bình an, yên ổn. Thao thức hằng đêm theo tôi chả ích gì!
 
Câu hát nào vấn vít anh nhất trong “Bài ca không quên” – ca khúc được anh lựa chọn làm tên live show sắp tới?
 
- “Nhưng giờ đây có giây phút bình yên, sao tôi quên, sao tôi quên…” - hẳn là người ta phải nhớ lắm, phải trân trọng quá khứ của mình lắm, người ta mới có thể tự vấn mình bằng một câu hỏi lớn và sâu sắc đến vậy. Còn nếu như người ta quên, người ta đã không thể nào hỏi được câu hỏi đó…
 
“Hãy cố gắng nghĩ đơn giản rằng, bạn từng có một ngôi nhà, bạn đã được chở che nhờ nó, và bạn cũng từng phần nào sưởi ấm nó. Thế nên khi bạn đi ra, bạn hãy nhớ khép cửa để giữ ấm nó, ít ra là trong tim bạn. Vậy có thể cũng đã là đủ, cho cả người ở lẫn người đi…”.