Cười với Bệnh Sĩ26/01/2015

 TT - Ha hả. Nắc nẻ. Rung rúc... Từ đầu đến cuối, khán giả Hà Nội đã được cười với Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ trên sân khấu của Nhà hát Kịch VN.

 

 

Mỗi khi nghệ sĩ Xuân Bắc (vai Văn Sửu) là khán giả cười ngả nghiêng.

Hài hước trong sự nhốn nháo của một làng quê mang bệnh sĩ vì háo danh. Đấy là không khí bao trùm vở kịch. Nhốn nháo ngay từ lúc khai màn khi xã Cà Hạ khai trương tên mới - Hùng Tâm.

Ông chủ tịch Toàn Nha quyết định Hùng Tâm không trồng hoa màu nữa mà chuyển sang phát triển kinh tế: sản xuất pháo, nuôi lợn và thu mua lông gà lông vịt, để ai ai cũng ao ước: “Sáng mai ngủ dậy mình được trở thành người Hùng Tâm”.

Từ đấy, vì cái danh to đùng ấy, cả xã nhốn nháo xây dựng hình ảnh của mình trong bao tình huống cười... thắt ruột.

Vì thế, Bệnh sĩ đã không lấy trang nghiêm làm chuẩn mực mà để chất hài trên sân khấu lan xuống khán giả bằng những câu chuyện rất gần gụi như: mượn lợn, mượn trường học để làm trang trại; sáng tác logo in hình tràng pháo và lông gà; màn văn nghệ sử dụng đạo cụ là thúng và quang gánh để đón tiếp truyền hình và nhà văn (dỏm)...

Ông Tiến (phường Đồng Tâm, Q.Hai Bà Trưng) quay sang vợ mà rằng: “Cười đến nẫu ruột!”.

Đặc biệt, anh Văn Sửu (Xuân Bắc) với câu nói cửa miệng “Chính!”, hễ xuất hiện là rạp phải cười và cười đến ngả nghiêng với màn huấn luyện các thôn nữ đi mua lông gà, lông vịt cùng những lời rao không thể hài hơn được nữa.

Quả tình với Xuân Bắc, lâu rồi mới có vai diễn mới cho anh và Xuân Bắc đã thành công với vai Văn Sửu - một anh chàng giỏi nịnh hót, mưu mẹo và cũng rất háo danh.

Nhưng, trong muôn tiếng cười ấy, Bệnh sĩ đã khiến khán giả chựng lại khi chứng kiến câu chuyện tình của Nhàn - Hưng, thấy lóe lên những người trẻ dám đấu tranh cho sự thật.

Giữa tiếng cười nghe được những câu: “Sắm cho mình cái kính để người ta nhìn vào thấy mình là người có chữ”; “Trên có chủ trương, ta cứ bung ra. Càng nghèo, càng cần tiếng nổ cho nó to”... càng thấy thấm thía.

Nhất là câu khuyên bảo cháu đầy chua xót của ông Thình (Phú Đôn): “Ô hay, có phải mình mày nói dối đâu, cả xã nói dối, cả huyện nói dối, cả nước đang nói dối. Cho nên mày hãy dối một lần cho tao nhờ...”.

Dù là hài hước nhưng Bệnh sĩ vẫn ẩn chứa bao sắc ngọt trong từng câu chữ của Lưu Quang Vũ.

Cộng hưởng vào đó là những bài hát đan xen đã thành nốt điểm đầy ấn tượng khi kéo người xem vào không gian lãng mạn (chuyện hứa hẹn của Nhàn - Hưng), khi khiến khán phòng cười bung với màn hợp xướng có phần lời chỉ xoay quanh những pháo - lợn - lông gà, lông vịt.

Đạo diễn Tuấn Hải đã chia sẻ: “Tôi bám sát và giữ nguyên các lời thoại trong kịch bản của Lưu Quang Vũ. Vì kịch bản văn học anh viết vừa sâu sắc, vừa đầy tính dự báo không chỉ cho thời điểm đó mà đến tận hôm nay”.

Khán giả ra về mà vẫn mang tiếng cười ra tận cửa rạp. Cũng cười cùng Bệnh sĩ, nhưng nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái lại có một đòi hỏi cao hơn khi nhận xét rằng vở diễn “chưa khai thác hết ý thâm sâu của kịch bản khi phê phán một thói xấu thâm căn cố đế của người Việt. Những mảng miếng trong vở diễn cũng chưa đạt đến tầm vóc của hài kịch dù có được vẻ hoàn chỉnh của những tiểu phẩm hài. Sau cái cười phải là cười ra nước mắt thì hay hơn và xứng đáng hơn với vấn đề Lưu Quang Vũ đặt ra cho vở kịch của mình”.

Công chiếu ngày 24 - 2 - 2015 (tức ngày mùng 6 Tết âm lịch)