Hài kịch “Ao làng” kể về những “ao làng” trong lòng phố11/09/2014

 

Hiện tại chúng ta có nhiều thành phố nhưng chưa có những “con người thành phố”, nhiều khi nhìn lại, chúng ta chợt nhận ra rằng, dường như cái gốc rễ làng quê vẫn còn bám trụ rất sâu trong đời sống thành thị, và thực ra ta vẫn chưa thoát ra khỏi “ao làng”.

Với 5 tiểu phẩm hài về những cảnh trớ trêu của đời sống thành thị gồm
 

Với 5 tiểu phẩm hài về những cảnh trớ trêu của đời sống thành thị gồm Tên làng, Sống thử, Ghen ngược, Tiếp thị, Ô-sin, chùm hài kịch Ao làng sắp ra mắt vào đầu tháng 9 này sẽ mang lại tiếng cười vui, hóm hỉnh và duyên dáng cho khán giả yêu sân khấu.

Qua chùm hài kịch này, cái nhìn đả kích, châm biếm về những thói hư tật xấu đang tồn tại trong xã hội sẽ được các nghệ sĩ thể hiện một cách nhẹ nhàng, dí dỏm. Kịch bản được viết bởi tác giả trẻ Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn - NSƯT Chí Trung chịu trách nhiệm dàn dựng cho các nghệ sĩ thuộc đoàn kịch I - Nhà hát Tuổi trẻ.

Hài kịch Ao làng nói về những xung đột văn hóa trong cuộc sống của những con người từ nông thôn ra thành phố. 5 tiểu phẩm là 5 câu chuyện có nội dung hoàn toàn tách biệt kể về cuộc sống của họ.

Tên làng
 

Tên làng được coi như một khúc dạo đầu dẫn dắt, tạo bối cảnh để những người trẻ nông thôn bỏ làng lên thành phố. Một chi tiết sẽ xuất hiện ở đầu và cuối chùm hài kịch, đó là những người ở làng quê này có thói quen… nhổ nước bọt.

Sống thử
 

Sống thử khắc họa cuộc sống của những cặp đôi sinh viên từ nông thôn lên thành phố trọ học, sống xa nhà. Họ quyết định dọn về “góp gạo thổi cơm chung”, từ đây sẽ xảy ra bao chuyện dở khóc dở cười.

 Ghen ngược

 Ghen ngược là cuộc sống của những gia đình 2-3 thế hệ, họ có gốc gác ở nông thôn, nhưng đã chuyển hẳn lên thành phố sinh sống. Ở đó, có những bà mẹ chồng vốn gần cả đời người sống ở nông thôn, khi con cái ổn định cuộc sống trên thành phố, đã đón mẹ lên ở cùng. Các bà mẹ chồng này mang nặng nét tâm lý “mất tiền mua mâm, phải đâm cho thủng”, đã “hành” con dâu thành phố… ra trò để chứng tỏ mẹ chồng nông thôn… chẳng vừa.

Tiếp thị
 

Tiếp thị khắc họa cuộc sống mưu sinh trong thời buổi “người khôn, của khó”. Những sinh viên, những thanh niên chất phác từ nông thôn đi ra thành phố kiếm việc đã để mất sự trung thực, ngay thẳng lúc nào không hay…

Ô-sin
 

Ô-sin là câu chuyện về mối quan hệ giữa ông bà chủ và người giúp việc. Trong đó, ô-sin vốn là người giúp đỡ bà chủ trong chuyện thu vén công việc gia đình, nhưng hai bên lại dễ dàng trở thành… kẻ thù khi ô-sin nhăm nhe chăm sóc, thu vén luôn cả… ông chủ.

5 tiểu phẩm hài kịch này được xâu chuỗi lại với nhau nhờ một người kể chuyện khá đặc biệt - nhạc sĩ Trương Quý Hải. Để chuẩn bị cho chùm hài kịch Ao làng, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã sáng tác hai ca khúc có tên Thả đỉa ba ba và Gió quê về thành phố, trong đó, nhạc sĩ viết về làn sóng người nông thôn đổ lên thành phố.

Ô-sin
 

Sự tham gia diễn xuất của nhạc sĩ Trương Quý Hải là do đạo diễn Chí Trung đã có lời mời. Theo nghệ sĩ Chí Trung, Trương Quý Hải là một người Hà Nội gốc nhưng lại có gương mặt rất “quê”, rất phù hợp để làm người dẫn dắt mạch chuyện cho chuỗi tiểu phẩm hài.

Chùm hài kịch Ao làng đề cập đến những câu chuyện làng quê, để thấy rằng dù có đô thị hóa đến đâu thì đa phần chúng ta vẫn là những con người gốc nông dân, gắn với những vấn đề thâm căn cố đế của làng quê.

Chùm hài kịch này không có ý đả phá điều gì bởi mọi thứ tồn tại đều có lý do của nó. Ao làng chỉ là một tiếng cười nhẹ nhàng, để khán giả nhìn lại những vấn đề cuộc sống thường ngày, nhìn lại sự đổi thay của bộ mặt thôn quê - thành thị…

Hiện tại chúng ta có nhiều thành phố nhưng chưa có những “con người thành phố” và nhiều khi nhìn kỹ và sâu hơn, chúng ta chợt nhận ra rằng, dường như cái gốc rễ làng quê vẫn còn bám trụ rất sâu ngay cả trong đời sống thành thị, và thực ra ta vẫn chưa thoát ra khỏi những “ao làng”.

Bích Ngọc