Hồng Nhung gọi Khánh Ly là thần tượng, ví mình là cột đèn11/04/2016

 

“Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận/ Ngày xưa lận đận không biết về đâu/ Về đâu cuối ngõ về đâu cuối trời/ Xa xăm tôi ngồi tôi tìm giấc mơ/ Xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi” – live show kỷ niệm 15 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn với tựa đề Đường xa vạn dặm được mở đầu bằng chính tiếng hát của ông trong ca khúc Tiến thoái lưỡng nan. Khán giả vỗ tay không ngớt, nhiều người không cầm được nước mắt khi nghe lại giọng hát mộc mạc, chân thành và chìm trôi của cố nhạc sĩ tài hoa.



 

Ánh Tuyết là người mở màn đêm nhạc, ngay sau phần thể hiện của mình,

nữ nghệ sĩ có màn kết hợp với giọng ca nhí Huyền Trân.


Cuộc hạnh ngộ của các thế hệ hát nhạc Trịnh Đường xa vạn dặm là cuộc hạnh ngộ của những giọng ca hát nhạc Trịnh thành công và được nhiều người yêu thích: Khánh Ly, Cẩm Vân, Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Quang Dũng và Huyền Trân. Ngoài “cô gái nhỏ” Huyền Trân bước ra từ Giọng hát Việt nhí thì tất cả ca sĩ còn lại đều là những người từng gặp gỡ, trao đổi, thậm chí gắn bó và đồng hành với Trịnh Công Sơn khi ông còn "ở trọ trần gian". Ngay sau tiếng hát của Trịnh Công Sơn từ đoạn băng tư liệu, Ánh Tuyết bước ra sân khấu với tà áo dài trắng hát liên tiếp 4 bài Tiến thoái lưỡng nan, Phúc âm buồn, Rừng xưa đã khép và Xin trả nợ người. Giọng hát của nữ ca sĩ sinh năm 1961 vẫn trong sáng và cao vút như chưa hề nhuộm màu thời gian. Kết thúc phần trình diễn, Ánh Tuyết nghẹn ngào chia sẻ rằng cô cảm thấy rất có lỗi vì phải tới 15 năm sau cô mới thực hiện được lời hứa với Trịnh đó là hát nhạc của ông. Do vậy, việc đứng trên sân khấu Hà Nội vào đúng “mùa Trịnh” là niềm hạnh phúc không gì có thể diễn tả được. Khi Ánh Tuyến bước về phía cánh gà, nhiều chi tiết của sân khấu được thay đổi, Huyền Trân bước ra trong ánh đèn mờ ảo và cất tiếng hát Còn tuổi nào cho em. Nhiều khán giả tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội ngỡ ngàng trước giọng hát đầy trải nghiệm của một cô gái vẫn chưa đến tuổi trưởng thành. Huyền Trân không mặc trang phục ni cô như mọi khi, em diện tà áo dài hoa, đứng một chỗ trên sân khấu và nhiều lần cảm ơn khán giả vì đã chăm chú lắng nghe giọng hát của mình. Được kỳ vọng sẽ trở thành đại diện ưu tú của thế hệ thứ 3 hát nhạc Trịnh, giọng ca bước ra từ Giọng hát Việt nhí không làm người nghe thất vọng, chất suy tư mà Huyền Trân có được, theo như em chia sẻ, bắt nguồn từ chính việc từ nhỏ đã được ru ngủ bằng nhạc của Trịnh qua tiếng hát của Khánh Ly. Ở tuổi 72, Khánh Ly vẫn là người được chờ đợi nhất dù không phải là người hát cuối cùng. Đây là lần đầu tiên nữ danh ca có mặt tại Hà Nội vào đầu tháng 4 và tham gia một đêm nhạc tưởng nhớ ngày mất của người nhạc sĩ mà bà gắn bó suốt cuộc đời nghệ thuật. Giọng hát của Khánh Ly vẫn liêu trai, u uẩn, giàu tự sự và trải nghiệm như suốt bao năm qua chưa bao giờ thay đổi. Mỗi lần chuyển bài, nữ danh ca có cách dẫn đề khiêm tốn và hóm hỉnh. Bà cho biết bà không học hát từ ai cả và việc đứng chung sân khấu với những ca sĩ thế hệ sau là niềm vui quá lớn.



 

Lần đầu tiên, Khánh Ly, Cẩm Vân, Hồng Nhung -

những ca sĩ được cho hát nhạc Trịnh thành công nhất cùng hòa giọng trong "Xin cho tôi" và "Như cánh vạc bay".


“Với tôi, không có ngày 1/4 mà 365 ngày đều là ngày của Trịnh. Không giây phút nào là tôi không nhớ đến Trịnh, người đã cho tôi đời sống ngày hôm nay. Tôi biết mình vẫn chưa hề mất Trịnh Công Sơn. Và biết đâu, trong chính đêm nhạc này, ông vẫn ngồi đâu đây, có thể là ngay cạnh quý vị khán giả, vẫn nghe tôi hát những tác phẩm mà ông đã viết ra” – người được cho là hát thành công nhất nhạc Trịnh Công Sơn chia sẻ. Cao trào của đêm nhạc chính là sự xuất hiện của Hồng Nhung khi Khánh Ly và Cẩm Vân vẫn còn đang đứng trên sân khấu để chia sẻ cảm xúc trước khán giả. “Cô Bống” bước ra hóm hình nhận mình là “cột đèn” còn Khánh Ly và Cẩm Vân mới là thần tượng và huyền thoại trong nhạc Trịnh. Hồng Nhung bị dị ứng, mắt sưng to phải đeo kính nhưng vẫn biểu diễn hết mình. Ngay sau đó, 3 nữ ca sĩ cùng hòa giọng trong hai ca khúc Xin cho tôi và Như cánh bạc bay. Hồng Nhung hát nhạc Trịnh đầy dương tính và tươi trẻ với chất giọng vang sáng, Cẩm Vân gây ấn tượng với thanh âm trầm buồn, cảm xúc, còn Khánh Ly vẫn giữ nguyên cách đãi chữ, nhả lời của mình, hát như một sợi tơ rút ra từ ruột, rút nữa, rút mãi, cảm tưởng như không gì có thể ngăn trở được. Viết nhạc từ trái tim ắt sẽ đến tận trái tim Sân khấu Đường xa vạn dặm được dàn dựng công phu với nhiều đạo cụ trong không gian tràn ngập sắc màu cỏ cây, hoa lá. Bước tượng chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đặt trang trọng giữa sân khấu, ánh mắt vị nhạc sĩ tài hoa hướng về phía khán giả, còn khắp khán phòng mọi ánh mắt lặng lẽ hướng về ông và sân khấu. “Dàn dựng sân khấu như vậy là có ngụ ý. Dễ thấy tất cả đều là cỏ cây hoa lá thật – những vật tưởng như vô tri vô giác nhưng cũng bị nhạc Trịnh chinh phục, hay đúng hơn âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã thổi hồn vào cây cỏ khiến chúng cũng phải ôm trầm lấy nhau trong lời ca và điệu nhạc. Chỉ có vị nhạc sĩ rất lạ này, người vừa là thi sĩ, vừa là nhạc sĩ mới có thể làm được điều đó. Trước âm nhạc của ông, dường như tất cả mọi thứ đều phải nhường bước. Trịnh Công Sơn viết nhạc từ trái tim, do vậy đến thẳng trái tim của khán giả và ở lại mãi mãi trong đó” – nhà thơ Anh Ngọc, một tín đồ của nhạc Trịnh, người thần tượng tác giả của Biển nhớ vô điều kiện chia sẻ.



 

Nhà thơ Anh Ngọc và nữ ca sĩ Khánh Ly có những chia sẻ chân thành với khán giả về nhạc Trịnh

và kỷ niệm với Trịnh Công Sơn khi ông còn "ở trọ trần gian".


Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét ngắn gọn “Nhạc Trịnh đẹp và buồn”. Nhận định này được nhiều người ủng hộ, vì suy cho cùng cái đẹp và nỗi buồn luôn là nguồn cảm hứng dạt dào nhất để các nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm đề đời. Trong gia tài âm nhạc của Trịnh, nỗi buồn và cái đẹp luôn hòa huyện với nhau, đẹp mang màu sắc buồn và buồn cũng nhuốm màu cái đẹp. Đường xa vạn dặm vừa giống như một nén tâm nhang để gửi đến Trịnh Công Sơn, vị nhạc sĩ tài hoa, người đã kể về cái đẹp và nỗi buồn bằng trái tim của tình yêu chân thật. Dù viết về quê hương đất nước, về thân phận con người hay về tình yêu, Trịnh Công Sơn đều chân thật và dung dị. Nhạc của Trịnh được viết từ những cảm xúc chân thật đời thường nhưng từ một tâm hồn thơ và và một trái tim giàu tự sự nên gia tài sáng tác của ông đầy triết lý về nhân sinh. Trong đêm diễn Đường xa vạn dặm, nhà thơ Anh Ngọc cho rằng, tình yêu trong nhạc Trịnh được xây dựng thiêng liêng như thánh đường tôn giáo. Nhưng dù thiêng liêng đến đâu cũng “Hãy hát đi đừng e ngại” vì “khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình và “dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”.