Khánh Ly rưng rưng “Cúi xuống thật gần”18/01/2016

 

Đã từng thấp thoáng bóng dáng của Khánh Ly và Trịnh  Công Sơn trong một số bộ phim nhưng có lẽ nó chưa bao giờ thỏa mãn những điều muốn biết về cặp đôi “không duyên tình lứa đôi” này. Khán giả vẫn cứ muốn được nghe chính Khánh Ly bày tỏ, chia sẻ nỗi nhớ về Trịnh, cũng như muốn đọc lại những trang viết của Trịnh nhắc về Khánh Ly. Họ là một cặp đôi đã khuấy động Sài Gòn, đã khiến trái tim khán giả bao thế hệ tan chảy. Và trong đêm nhạc “Cúi xuống thật gần” tối 10/1 vừa qua, Khánh Ly đã trải lòng với những hồi ức một thời về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi. Từ những tình khúc ấy đốt cháy những nhớ nhung, những hoài niệm tưởng đã ẩn sâu bỗng sống lại mãnh liệt. Không chỉ vậy, Khánh Ly còn đưa khán giả về những ngày Sài Gòn sôi động, những ngày quê hương chìm trong khói lửa, tiếng hát bà như nghẹn lại, nức nở với “Nỗi lòng người đi”. Sau những chặng đường xa, đôi chân đã mòn mỏi, ước mơ về hát trên quê hương đã thành hiện thực, tiếng hát Khánh Ly thành nỗi nhớ của người yêu nhạc. Bà tâm sự: “Tôi là người đã sống qua hai thế kỷ, là kẻ kể chuyện rong trong suốt hơn 50 năm.

Ca sĩ Khánh Ly trong đêm “Cúi xuống thật gần”.

Tôi đã kể cho các bạn nghe về tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu, tình quê hương. Các bạn đến với tôi ngày hôm nay không phải tôi đẹp hơn như tuổi hai mươi, cũng không phải vì giọng hát tôi còn như thuở thanh xuân, mà vì những năm tháng cách xa, tôi đã trở thành kỷ niệm”.

 Những người Hà Nội xa quê đều nhớ da diết mùa đông khi những thiếu nữ tha thiết với chiếc khăn mỏng như mây bay trên phố phường. Nhắc về Hà Nội, là nỗi nhớ ngàn năm, muôn đời giăng giăng mây trắng ngang Hồ Tây, sóng gợi Hồ Tây xô nghiêng phố cổ. Trở về Hà Nội, danh ca Khánh Ly sống lại một thuở ấu thơ đong đầy kỷ niệm. Nữ ca sĩ thừa hưởng niềm đam mê âm nhạc từ người cha, một người con Hà Nội, đã dạy cho cô những ca khúc tiền chiến từ thuở bé. Và Hà Nội cũng chính là nơi cô bé Mai bước lên sân khấu lần đầu tiên khi mới 9 tuổi. Danh ca Khánh Ly tiết lộ: "Có người từng hỏi tôi ai là người hát nhạc Trịnh hay nhất. Đến giờ tôi có thể nói rằng đó chính là ông Trịnh Công Sơn. Ông Sơn rất yêu bài “Mưa hồng”, nên ông hát hay hơn Mai (tên thật của Khánh Ly). Còn ước mơ của tôi là lúc nào cũng được ở bên cạnh Trịnh Công Sơn, hát với nhau ở khắp mọi nơi, nhưng cuối cùng nó lại không thành hiện thực. Lần này tôi trở về, ông Sơn đi vắng. Ông đi xa, nhưng tôi tin ông sẽ không thất vọng khi đã giao cho tôi những bài hát của ông".

Đêm nhạc như bản tình ca tự sự về cuộc đời của Khánh Ly với nỗi lòng người đi, những nỗi nhớ quê hương đau đáu chưa bao giờ nguôi ngoai … Khánh Ly hát bằng tất cả nỗi nhớ chất chứa nhiều năm. Bà hát những ca khúc của Trịnh bằng tất cả những tình cảm tha thiết nhất, chân thành nhất về một tình yêu và hơn thế nữa với các ca khúc: “Hà Nội- Huế- Sài Gòn”, “Diễm xưa”, “Hạ trắng”, “Ở trọ”, “Để gió cuốn đi”… Mỗi lần Khánh Ly bước ra sân khấu, bà hát bằng tất cả tiếng lòng như “khúc nguyện hồn ai”, tiếng hát liêu trai ấy sẽ găm sâu vào nỗi nhớ của khán giả. Ai đã mê tiếng hát Khánh Ly đều không thể bỏ qua mỗi khi bà về quê hương cất tiếng hát, ai biết đâu chúng ta còn “Ở trọ” trần gian bao lâu nữa để sống với những kỷ niệm. “Hãy yêu nhau đi khi còn có thể, đừng để khi xa mới nói đã muộn mất rồi”- đó là tâm nguyện của danh ca Khánh Ly khi hơn 60 năm được về trải lòng cùng khán giả Thủ đô.

Trở về Việt Nam lần này, danh ca Khánh Ly cùng người đồng hành với mình là ca sĩ Quang Thành cũng như êkip chương trình âm nhạc “Cúi xuống thật gần” đã đến thăm và tặng quà cho bệnh nhân Bệnh viện Bỏng Quốc qia 20 phần quà, mỗi phần trị giá 700.000 đồng cùng với 5 triệu đồng tiền mặt.

 

Cũng trong dịp này, Khánh Ly đã đến Trung tâm giáo dục Lao động xã hội II (Yên Bài - Ba Vì - Hà Nội) để trao 80 phần quà, mỗi phần trị giá 700.000 đồng và 5 tạ gạo gửi các trẻ em đang có và ảnh hưởng HIV, đang được điều trị tại đây.