Nếu một ngày Hà Nội vắng những đêm nhạc Phú Quang!27/03/2018

 

Dantri - Hà Nội đang chờ đợi đêm nhạc “Dương cầm lạnh và phố cũ của tôi” sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Nhà hát lớn Hà Nội. Do yêu cầu của lượng lớn khán giả, Phú Quang quyết định chuyển lịch diễn sang 28, 29/3.

Mà đến giờ, đã cháy vé ngày 28, chỉ còn một ít vé ngày 29. Phú Quang là vậy, vẫn dành cho khán giả tất cả ưu ái. Vì ông nói, với Hà Nội và khán giả nơi đây, ân tình nói đến bao nhiêu cũng không đủ.

 


Phú Quang

*Phú Quang, những ân tình hay “di sản sống” của Hà Nội?!

Phú Quang nói, ông bắt đầu làm đêm nhạc riêng từ năm 1985, từ đó đến nay tính ra đã hơn 30 năm làm đêm nhạc riêng nhưng đêm nhạc nào cũng đầy ắp khán giả và chưa từng có dấu hiệu dừng lại. Nhiều người nói vui, câu chuyện làm đêm nhạc, cháy vé liên tục của Phú Quang giống như một “truyền thuyết” của giới làm show. Đã vậy, ông còn không dựa vào các đơn vị tổ chức, mà luôn tự mình biên tập, tự mình làm mới mình, tự nấu “món ăn” mới cho khán giả…, cứ ngỡ như vậy là Phú Quang “tham”, sẽ mệt do ôm đồm, ở cương vị ông, như người khác cứ ngồi rung đùi nhận lợi nhuận từ show diễn là xong.

 


Phú Quang luôn tự mình thực hiện các đêm nhạc như trả nợ các ân tình cho người Hà Nội

Nhưng, Phú Quang không thế, ông bảo người Hà Nội yêu âm nhạc của ông, đã trân quý ông vô cùng như thế, thì ông phải tự mình đáp lại những ân tình đó. Mỗi khi đứng trên sân khấu, nhìn xuống dưới hàng ghế khán giả kín bưng những người yêu nhạc mình, hạnh phúc đó giúp Phú Quang khoẻ lên mỗi ngày, không bao giờ thấy mệt mỏi khi làm việc và là động lực để ông liên tục đem đến cho chương trình những điều mới lạ, khiến khán giả chưa bao giờ chán khi yêu nhạc Phú Quang, xem đêm nhạc Phú Quang.

Trong đêm “Dương cầm lạnh và phố cũ của tôi” tới đây, ngoài những sáng tác mới, lần đầu tiên Phú Quang hội tụ trên sân khấu 6 màu sắc âm nhạc khác nhau để tạo thành một bức tranh thật đẹp, thật nồng nàn và sâu lắng về Hà Nội của ông. Trong đó, Thanh Lam là nỗi khát khao, Mr Đàm biểu trưng cho tình cảm sâu đằm, Tấn Minh là một Hà Nội lịch lãm, tinh tế, Trọng Tấn sẽ chuyển tải những bản tình ca điêu luyện, Minh Chuyên biểu thị cho tuổi trẻ, những bỏng cháy đợi chờ trong tình yêu, Khánh Linh mang một sắc màu trong trẻo, nhẹ nhàng như Hồ Gươm sáng sớm.

 


Thanh Lam - Trọng Tấn trong buổi tập cho đêm nhạc "Dương cầm lạnh và phố cũ của tôi"

Thành thử ra, khán giả Hà Nội đã quá quen với việc đón nhận món ăn tinh thần mà Phú Quang dành tặng cho họ. Xuân thu nhị kỳ như lễ hội cùng tình ca và những tác phẩm riêng viết về phố cũ. Người ta chờ đợi thưởng thức đêm nhạc Phú Quang như cô gái chờ đợi người yêu khi đến hẹn, như người ta mơ mộng nhớ về tình đầu xanh biếc, như người phụ nữ cồn cào nhớ những yêu thương… Âm nhạc Phú Quang chạm vào trái tim của người Hà Nội, của khán giả bởi những gì thật giản dị, giản dị như đời sống này, như Hà Nội quen thuộc thế nhưng lại khiến người xa Hà Nội luôn nhớ thương da diết, đau đáu.

Với tình yêu lớn và chân thành cùng những năm tháng trải nghiệm đời sống tha hương trên đất khách, Phú Quang viết về Hà Nội, tạo nên một trường phái riêng biệt trong đời sống âm nhạc. Các tác phẩm về phố cũ của Phú Quang từ bao nhiêu năm nay cũng vì thế tự nhiên trở thành một phần đời sống, gắn bó như hơi thở với người Hà Nội. Và là chiếc gối êm bảo bọc tâm hồn của những kẻ xa quê, lưu lạc trên đất khách quê người, chỉ cần một thanh âm Phú Quang vang lên, người ta có thể bật khóc nhìn thấy vẹn nguyên một Hà Nội trong tim.

 


Mỗi đêm nhạc Phú Quang đều mang đến những điều mới mẻ, không bao giờ giống nhau

Danh ca Khánh Ly đã từng nức nở như một đứa trẻ trên đất Úc khi bỗng nghe trên xe bài hát “Quê hương”, và Khánh Ly hát “Em ơi Hà Nội phố” như một phương pháp để được sống lại những ngày tuổi thơ trên phố cũ Hàng Bông. Sau Khánh Ly, Bằng Kiều, Thu Phương, Ngọc Anh… vẫn chọn những Hà Nội qua nét vẽ của Phú Quang để được chạm vào Hà Nội.

*Nếu một ngày Hà Nội không có những đêm nhạc Phú Quang…

Hà Nội được nghệ sỹ chiều chuộng. Ai cũng đã từng viết, mong muốn được thổ lộ tình yêu nơi đây.

Nhưng vì sao các tác phẩm mảng để tài phố của Phú Quang lại đặc biệt và là vật bất ly thân của những trái tim Hà Nội, dù ở bất kỳ đâu? Bởi lẽ, như Phú Quang nói, với ông, việc sáng tác đến từ nhu cầu tình cảm thật. Các tác phẩm đều xuất phát từ trái tim và những rung cảm khó có thể biểu đạt bằng các ngôn ngữ khác. Có lẽ, sự phát nguồn từ trái tim ấy, nó nhanh chóng chạm vào trái tim khán giả.

Hà Nội trong những sáng tác của Phú Quang không màu mè, không ồn ào. Những hình ảnh hiện lên là phố cũ, là rêu phong, ngõ nhỏ và chiều đông Hà Nội bàng bạc. Thứ hình ảnh mang màu sắc của một thước phim đặc tả, chọn lọc những gì Hà Nội nhất, mang tính biểu đạt nhất mà chỉ người Hà Nội mới nhận ra nó rõ rệt. Hà Nội đẹp trong mắt Phú Quang và cũng thật nhất trong mắt Phú Quang. Vì thế, các ca khúc này như một thân cây mà rễ cứ bám và lan đến bất cứ nơi đâu có người Hà Nội sinh sống.

Nói về nỗi nhớ Hà Nội, dung dị như những hình ảnh trong tác phẩm mình viết, Phú Quang nói, nỗi nhớ nhiều khi chỉ từ những điều tưởng như nhỏ bé. Một thảm lá sấu vàng rực trên hè phố, làn sương giăng mờ trắng mặt hồ trong đêm lạnh mùa đông, một tiếng thì thầm đến nao lòng của dòng sông Hồng ngày nước cạn…

Trong một khảo cứu, đạo diễn Lê Hoàng đưa ra một thông tin ai cũng biết nhưng lại để thấy, giữa Phú Quang và Hà Nội là hai vế của một mệnh đề, không thể tách rời và cũng để nói, tác phẩm viết về phố cũ thực sự trở thành di sản của Hà Nội. Lê Hoàng nói: “Nếu tôi không nhầm, chưa nhạc sĩ nào có nhiều đêm nhạc Hà Nội như Phú Quang. Cả anh và Hà Nội đều nương tựa vào nhau mà sống, ca ngợi nhau một cách chân thành nhất.

 


Đêm nhạc "Dương cầm lạnh  và phố cũ của tôi"

Lê Hoàng hóm hỉnh, thiên hạ đồn: “Để chứng minh mình là dân Hà Nội, mọi công dân đều phải xuất trình hai thứ: sổ hộ khẩu và nhạc Phú Quang. Thiếu một trong hai thứ này coi như chưa đủ tiêu chuẩn”.

Lao thân mình vào nghiệp sáng tạo với đời sống luôn luôn là những biến động của tin yêu, ngộ nhận, vui sướng và đau khổ. Theo tháng năm, Phú Quang chất nặng trong tâm hồn mình rất nhiều kỷ niệm, và miền ký ức mênh mông sâu thẳm ấy luôn lay động chúng ta, giục giã chúng ta, ám ảnh chúng ta như một điều không thể viết lại. Ông viết ra được tức là đã tìm ra cách giãi bày, san sẻ. Và những kỷ niệm vui buồn đã được tái sinh. Đó là Hà Nội.

Một Phú Quang và một Hà Nội trong những sáng tác, bằng tình yêu mãnh liệt chắc sẽ không ngừng sứ mệnh được trao. Và thật may mắn vì những năm tháng này, Hà Nội và Phú Quang vẫn chạm vào nhau an ủi, yêu thương. Nhưng cứ nghĩ, một giả thiết ngớ ngẩn rằng nếu một ngày Phú Quang không thể cùng sáng tác của mình hỏi thăm nhau trên sân khấu, thì Hà Nội sẽ như thế nào? Thật không dám nghĩ đến khoảng trống lớn lao đó...

Trong 10 năm nay, giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội được tổ chức thường niên, tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội”. Phú Quang, người con ưu tú của Thủ đô và các tác phẩm viết về Hà Nội của ông, có lẽ cũng nên được vinh danh như thế.