Nghệ sỹ Xuân Bắc giữ lửa cho “Đi tìm điều không mất”
“Đi tìm điều không mất”, vở kịch tái hiện nỗi đau hậu chiến. Khát khao có mái ấm gia đình, có những đứa con của người phụ nữ. Để làm được điều ấy, họ phải một mình chống lại những định kiến, đối mặt với khó khăn của cuộc sống. Tinh thần của người lính được thể hiện trong “Đi tìm điều không mất”, ra mắt khán giả Thủ đô vào ngày 20/12 tại Nhà hát Lớn là món quà ý nghĩa chào mừng Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bà Minh (nghệ sĩ Thúy Phương) là một nữ thanh niên xung phong trở về từ chiến tranh, “32 tuổi, da vàng bủng vì sốt rét” không kiếm nổi một tấm chồng, khát khao có được mái ấm gia đình nhưng bị khước từ. Sống trong cô đơn, bà chỉ có một ước mong duy nhất có một đứa con. Bước qua định kiến, bà khao khát có một đứa con để bầu bạn. Một ngày nọ, bà xin người lái xe đường dài một sinh linh nhưng sau đó phải bỏ quê hương bản xứ mà đi vì tội chửa hoang…Những con người như thế đã thành hình ảnh của “xóm không chồng”. Họ tự tạo một tuyên ngôn: “Người lính cũng là con người. Chúng tôi không phải là những tượng đài”.
Trong nỗi đau giằng xé giữa giữ gìn hình ảnh đức hạnh và khao khát hạnh phúc được một lần làm mẹ, người phụ nữ đã cầu xin người lái xe cho mình một đứa con. nỗi cô đơn, đau đớn người phụ nữ giữ cho riêng mình, còn với con họ xây dựng trong lòng con một tượng đài người cha rất đỗi tự hào. Bà Minh có 20 năm nuôi con bằng niềm tin bố nó là dũng sĩ diệt Mỹ. Đứa bé ấy luôn tự hào về người cha anh dũng của mình song lại có tâm lý không bình thường khi ai đó nói nó không có bố. Thì ra bà Minh đã nhặt được giấy tờ làm rơi của ông Khang và đưa lên bàn thờ để thằng Phóng con bà tin rằng nó có bố và bố nó đã hy sinh.
Và bi kịch của người tốt cũng nảy sinh từ đây khi ông Khang (nghệ sĩ Đình Chiến) - vị chủ tịch huyện liêm khiết, mẫn cán - trong một lần đi công tác, tình cờ phát hiện tên và giấy tờ tùy thân của mình trên bàn thờ của một gia đình. Chuyện trở nên rắc rối khi những kẻ cơ hội lợi dụng câu chuyện đó nhằm hạ bệ ông Khang hòng chiếm chức chủ tịch huyện. Ông Khang đứng trước nguy cơ bị cách chức, bị kỷ luật vì tội có con riêng, lý lịch không trong sạch… nhưng với ông địa vị không quá quan trọng. Điều khiến ông khổ tâm, giằng xé, đó là việc nếu nói thật thằng Phóng không phải con ông thì đứa trẻ sẽ có nguy cơ mắc sang chấn tâm thần, còn nếu giữ im lặng, nhận Phóng làm con để vỗ về an ủi một đứa trẻ, thì dân trong huyện sẽ mất đi một người chính trực, thay vào đó là những kẻ trục lợi, luồn cúi, xấu xa.
Diễn xuất xuất sắc của các diễn viên đã tạo nên thành công cho “Đi tìm điều không mất”. Vào vai lái xe Trần Tài, Xuân Bắc luôn nhận được những tràng pháo tay và tiếng cổ vũ rộn rã mỗi lần anh xuất hiện. Từ giọng nói, điệu cười, hay cái nhăn mặt, vuốt tóc của Xuân Bắc, dù là trong lúc diễn tâm trạng vui hay buồn, đều khiến khán giả bớt nặng nề do một vở kịch tâm lý mang lại. Các diễn viên cũng dốc sức để tạo nên thành công cho những cảnh như cảnh độc thoại nội tâm của bà Minh, cảnh tâm sự của hai người phụ nữ (bà Minh và bà Thùy).
“Đi tìm điều không mất” là vở kịch tâm lý mẫu mực cho kịch Việt Nam hiện nay. Câu chuyện của “Đi tìm điều không mất” vẫn đầy tính nhân văn, vẫn còn nguyên giá trị, và nó khắc hoạ nỗi niềm người phụ nữ để xã hội hiểu hơn, thông cảm hơn với những người “mong chỉ một lần được làm mẹ”, những người đại diện cho hình ảnh “xóm không chồng”.
Chương trình biểu diễn Tại Nhà Hát lớn vào hồi 20h ngày 20/12.
Đông Đô Show và Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp thực hiện chương trình này
Liên hệ mua vé: 0916 81 3336 - 091 532 9993 -043 7474 888
Hoặc đặt vé tại: dongdoshow.com
Các Bài Viết Liên Quan:
1.http://www.baomoi.com/Di-tim-dieu-khong-mat-tai-hien-noi-dau-hau-chien/132/12549450.epi
2.http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/xuan-bac-giu-lua-cho-di-tim-dieu-khong-mat-n20131130190007203.htm
3.http://vn.news.yahoo.com/xu%C3%A2n-b%E1%BA%AFc-gi%E1%BB%AF-l%E1%BB%ADa-cho-%C4%91i-t%C3%ACm-%C4%91i%E1%BB%81u-230900875.html
4.http://vietbao.vn/Van-hoa/Vo-moi-cua-Nha-hat-kich-Viet-Nam-Di-tim-dieu-khong-mat/40010285/181/
5.http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/10285/vo-moi-cua-nha-hat-kich-viet-nam-di-tim-dieu-khong-mat.html