Chi tiết show
Vở kịch " Lời Thề thứ chín " - 22/12

Ngày diễn: 22/12/2012

Địa điểm: Nhà Hát Lớn HN

Giá vé: 100k, 200k, 300k, 400k

Nghệ sĩ: NSND Lê Khanh, NSUT Đức Khuê, Đoàn Kịch 2 Nhà Hát ...

 

Hai thế hệ Cha - con nhập vai trong vở kịch

Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ

Ngày 22/12, Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vở kịch “Lời thề thứ 9” của cố kịch gia nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Mặc dù kịch gia Lưu Quang Vũ đã đi xa nhưng những tác phẩm ông để lại vẫn còn nguyên giá trị. NSƯT Đức Trung người đã có duyên để dựng và nhập vai trong vở kịch Lời thề thứ 9 năm 1988 vẫn còn nhớ như không khí hào hứng của khán giả khi xưa. Và lần này, con trai ông, nghệ sỹ Tuấn Anh cũng sẽ tham gia một vai diễn nhỏ trong Lời thề thứ 9.

 

 

NSƯT Đức Trung khi nghe tin Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại vở diễn này “tôi cũng thấy sôi sùng sục”. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, gắn với cái biệt danh “ông già Vespa” nhưng tính tình ông lại rất trẻ trung khi tiếp chuyện phóng viên và hào hứng nói về Lưu Quang Vũ và kịch của tác gia này. Nhắc đến tài năng của Lưu Quang Vũ, ông khen ngợi hết tầm: “Vũ giỏi ở chỗ tiên đoán được tương lai nó sẽ diễn ra như thế. Tức là trong tác phẩm của Vũ có tính dự báo cho nên nó không lạc hậu để chỉ sống ở thời điểm nào đó.  Có thể khẳng định Vũ là một tài năng xuất chúng. Vấn đề còn lại  hiện nay là chúng ta khai thác những “điều không thể mất” của Vũ như thế nào mà thôi, và các nhà hát có đủ tiềm lực về con người để dựng lại các kịch phẩm đó thế nào”.

 

Nhìn nhận về vở kịch Lời Thề thứ 9, ông Đức Trung khẳng định: “Vở kịch này vẫn còn tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay bởi thông điệp chống tham nhũng, tiêu cực của nó phù hợp với Nghị quyết của Trung Ương IV vừa qua. Vở diễn nói lên được sự bức xúc trăn trở của người dân với những cái làm việc chưa thực sự tốt của chính quyền cơ sở”.

 

Như trẻ lại rất nhiều, NSƯT Đức Trung nhớ lại thời điểm ông còn là “Chủ tịch tỉnh” trong vở diễn Lời thề thứ 9: “Hiệu ứng của Lời thề thứ 9 rất cao ngay từ chúng tôi dựng vở này để diễn xuyên Việt. Năm 1986, đất nước thực hiện đổi mới thì năm 1988 vở diễn được dựng lại. Ngày ấy, chúng tôi diễn ở Cung Hữu nghị Việt - Xô với hơn ngàn chỗ ngồi bán vé tay bo mà cháy vé. Nhà hát tuổi trẻ lúc đó đang sửa chữa, chúng tôi diễn ở Nhà hát Lớn, rạp Hồng Hà mà lúc nào khán giả cũng phải xếp hàng mua vé. Về sau nhà hát xây dựng lại năm 1990 khi diễn Lời thề thứ 9 khán giả vẫn đông nghẹt. Chúng tôi nghĩ, diễn vở này đã ăn khách ở Hà Nội, chắc chắn diễn tại các tỉnh khác, vào Nam vẫn có sức hút. Vậy là chúng tôi mang Lời thề thứ 9 đi xuyên Việt. Tôi còn nhớ khi hành quân trong mưa bão ở Nha Trang, diễn 1 đêm, 2 đêm  rồi đến 3 đêm  mưa bão đổ cây tốc cả nóc rạp mà đoàn vẫn diễn, khán giả vẫn cứ đến kìn kìn, đội mưa đội gió đi xem đến phút cuối. Bây giờ tôi được nghỉ rồi mình không diễn nữa nhưng khi nhà hát gọi về dựng lại vở Lời thề thứ 9 thì lòng mình cũng sôi sục lên. Tôi nhớ ngày đó, mỗi khi dựng vở Lời thề thứ 9 thì nhiều cựu chiến binh nước mắt  rưng rưng, hết buổi diễn họ ra ôm lấy chúng tôi mà chia sẻ, động viên".

 

Người diễn viên thấy hạnh phúc khi mình nhập vai khiến khán giả cảm nhận được nhân vật như thật. Chẳng thế mà, khi đoàn kịch của NSƯT Đức Trung diễn ở rạp Trưng Vương (Đà Nẵng) sau khi diễn xong mọi người tẩy trang ra về thì rất nhiều cán bộ lão thành cựu chiến binh ra sau sân khấu gặp diễn viên chỉ để nói một điều: “Cảm ơn các nghệ sĩ đã nói thay lòng dân tất cả những bức xúc trăn trở”. Ngày ấy, khi đến Nha Trang diễn Lời thề thứ 9, ông Trung đã mời ông Chủ tịch tỉnh (ông Hoà) đi xem. Ông chủ tịch tỉnh trong vở Lời thề thứ 9 là người tốt nhưng do quan liêu nên để xảy ra những sự việc đáng tiếc. “Mình cứ tưởng ông này xem, nghĩ chúng tôi “đá” gì chủ tịch tỉnh nhưng xem xong ông ấy cười bảo: “Hay lắm, tốt lắm”. Đấy, chính những cái mình dù đụng chạm đến người ta, nếu đúng người ta vẫn thừa nhận, tốt thì tốt thật. Là cấp trên nhưng đôi khi quan liêu không nhìn nhận thấy những vấn đề của cấp dưới thì vẫn xảy ra những chuyện không ngờ. Cũng giống như bây giờ thôi, Trung ương không chủ trương như thế nhưng mà Tiên Lãng, cán bộ chủ chốt làm sai thì Đảng, Trung ương và tỉnh phải chịu trách nhiệm”, ông Trung nói.

 

Trong kịch mục của Lưu Quang Vũ, nếu khán giả xem vở Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Mùa hè cuối cùng… mang tính khái quát cao thì ở Lời thề thứ 9 có sự sống động, hấp dẫn, lôi cuốn rất riêng. Đó là cái tình người, giữa những người chiến sĩ con em của nhân dân đi bộ đội trở về để đòi những sự công bằng, công lý ở những nơi mà người dân đang bị áp chế mà kẻ đại diện của cái ác là chủ tịch xã Quách Văn Tần. Nhóm bộ đội được thưởng những ngày phép vì bắn giỏi nhưng họ lại nghỉ ngơi mà cùng nhau dùng ngày nghỉ phép ấy đi về  địa phương của một đồng đội tìm lại công lý, lẽ phải vì cha mẹ của đồng đội bị ông Chủ tịch xã bức bách.

 

Trong lần dựng lại này, một vài chi tiết của kịch đã được thanh đổi cho phù hợp với thực tế thay vì vài sào ruộng bằng cả chục ha đầm nuôi tôm, mối quan hệ chồng chéo, người nhà của Chủ tịch xã với cấp trên. Chính trợ lý đạo diễn Chí Trung cũng cho rằng: “ Nếu như chúng ta xem lại Lời thề thứ  9, được sửa đổi vài chi tiết của kịch thì sẽ thấy thực trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương, ví dụ như vụ ở Tiên Lãng – Hải Phòng, vụ ở Văn Giang – Hưng Yên và một số vụ trong phía Nam. Điều này làm cho tính thời sự của vở diễn được cập nhật hơn và nóng hơn”.

 

Mặc dù không tham gia diễn trong lần dựng lại Lời thề thứ 9 lần này, nhưng con trai của NSƯT Đức Trung là nghệ sỹ Tuấn Anh sẽ tiếp nối người cha tiếp tục giữ lửa. Tuấn Anh đang tham gia một dự án kịch khác nên chỉ đảm nhận vai phụ là chân bảo vệ văn phòng uỷ ban tỉnh. Tuấn Anh là một diễn viên hài có duyên và đã tạo ra dấu ấn riêng trong vai diễn. Xem Tuấn Anh vào vai diễn tập cho thấy khả năng vào vai khá nhuần nhuyễn.

 

Nghệ sỹ Tuấn Anh khá đẹp trai nhưng thường được giao những vai nhà quê, xấu xí mà điển hình là anh khoèo. Mà anh cũng có duyên với những vai diễn nhà quê nên được giao “chân” bảo vệ văn phòng uỷ ban tỉnh cũng là phù hợp. Tại đây, anh được dịp tung sở trường, sở đoản mà thu nhận những nụ cười của khán giả. “Tôi hay được nhận những vai khuyết tật như răng vẩu, mắt lác, chân khoèo, tay cong. Song tôi lại nghĩ hình thức bên ngoài chỉ tại nên một phần hài hước cái chính là nội dung bên trong”.

 

Anh Khoèo tâm sự khi vào vai diễn phải thường xuyên “đo” khán giả khi “quăng” ra các trò diễn mới, nếu 1-2 hôm không có hiệu quả là phải thay đổi luôn. “Tôi không thích bị áp đặt. Tôi thường được các đạo diễn cho tung hoành thoải mái, nếu thấy chỗ nào hơi thừa, rườm rà thì cắt bớt đi. Tôi không bắt chước ai, mỗi người có một cái duyên riêng”, Tuấn Anh tâm sự. Và chắc chắn, trong Lời thề thứ 9, trợ lý đạo diễn Chí Trung lại thả cho Tuấn Anh sáng tạo hài hoà với kịch bản.

 

Chính những nỗ lực của các diễn viên trẻ hôm nay sẽ tạo nên sự cuốn hút, hấp dẫn, chất lửa riêng cho vở diễn Lời thề thứ 9 khi công diễn.

 

Liên hệ mua vé: 04.22.30.8888 - 0902 040 207 - 0124 861 7896 - 0914 387 757

 

Hoặc đặt vé tại website: Dongdoshow.com

 

Các bài viết liên quan:

 

>>>http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/97812/kich-chong-vo-cam-chuan-bi-tai-xuat.html


>>> http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/tieu-diem-trong-tuan-san-khau-voi-loi-the-thu-9-n20121208025955064.htm


>>> http://dantri.com.vn/van-hoa/loi-the-thu-9-cua-luu-quang-vu-van-moi-den-hom-nay-670384.htm


>>> http://www.baomoi.com/Chi-Trung-phuc-dung-Loi-the-thu-9/132/9723654.epi

 

>>>http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/phimkich/88104/Du%CC%A3ng-la%CC%A3i-%E2%80%9CLoi-the-thu-9


>>>http://tintuc.vnn.vn/vdco/van_hoa/giai_tri/633278/phuc-dung-vo-loi-the-thu-chin-ky-niem-ngay-22-12.htm

 

>>>http://danviet.vn/112400p1c30/loi-the-thu-9-cua-luu-quang-vu-van-nguyen-tinh-thoi-su.htm