Khánh Ly - Lệ Quyên: Từ nữ hoàng phòng trà đến nữ hoàng chân đất18/01/2016

 

 

Chết rồi vẫn gắn bó thì đó là định mệnh

Gần như là một tri kỷ âm nhạc cuối cùng ở thế hệ của Khánh Ly, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lưu giữ những ký ức về người bạn vong niên mà với ông đó là một định mệnh vĩnh viễn không thể thay đổi.

Tác giả “Buồn ơi chào mi” cho rằng, thập niên 70, từ nữ hoàng có lẽ ít được phong tặng, thế nhưng, thế hệ trẻ sinh viên ngày ấy đã không ngần ngại phong tặng danh hiệu nữ hoàng chân đất cho một cô gái áo dài, mắt to tròn, đen láy cùng tiếng hát liêu trai được cất lên giữa sân trường, trở thành một huyền thoại trong tầng lớp trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Đám thanh niên hồi ấy với kiểu mode đặc trưng thế hệ: quần chẽn, kính to bản, tóc 4/6 sung sướng nhất khi được nghe Trịnh Công Sơn, Khánh Ly hát những bài tình ca như Hát cho quê hương Việt Nam, Sơn ca, Như cánh vạc bay, Hát cho những người ở lại....

Danh ca Khánh Ly. 

Hồi ấy, báo chí nói về Khánh Ly với Trịnh Công Sơn bằng những lời mĩ miều: Con chim phượng hoàng bay trên đôi cánh âm nhạc, bản tình du ca. Những năm tháng hát cho đồng bào tôi nghe đã đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn – Khánh Ly trở thành ký ức vĩnh viễn, thành huyền thoại trong tầng lớp trí thức, sinh viên lúc bấy giờ và mãi mãi về sau.

Về biệt danh "Nữ hoàng chân đất", theo lời thuật lại của Khánh Ly trong băng video Một đời Việt Nam thực hiện năm 1991, khi chưa có kinh nghiệm ca hát và lần đầu tiên xuất hiện trước đám đông khoảng một ngàn người, Khánh Ly đã không giữ được bình tĩnh và đứng không vững, phải vịn vào vai Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn nói "bỏ tay ra và đứng hát cho nghiêm chỉnh", vì run quá, nên Khánh Ly cởi bỏ đôi giày cao gót và đứng chân đất và nhờ đó, đã có thể bình tĩnh để trình bày hết bài hát của Trịnh Công Sơn trong suốt một đêm đó, khoảng 30 đến 40 bài hát trong 1 đêm.

Thế nhưng theo người bạn vong niên của cô, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ông lại cho rằng có nhiều cách nói khác nhau về danh hiệu “Nữ hoàng chân đất”. Vị nhạc sĩ nhớ lại: “Hồi đó, có những nốt nhạc cao mà Khánh Ly hát không tới. Trịnh Công Sơn đã nói với Ly rằng, muốn hát tới thì phải thẳng chân và ngước mặt lên trời. Hơn nữa, vào thời đó, Ly đi hát ở các sân trường ĐH luôn mặc áo dài. Anh Sơn khuyên cô nên đi chân đất vì theo anh, khi họ hát nhiều sinh viên tụ tập hò hét, nếu công an đến thì đi chân đất sẽ dễ chạy....”.

“Đúng ra, tên gọi Nữ hoàng chân đất của Khánh Ly là biểu tượng của sự đáng yêu, giản dị, chân chất, gần gũi. Đó điều Trịnh Công Sơn luôn luôn mong muốn. Mong muốn Mai (tên thật của Khánh Ly) là ca sĩ của sinh viên, của đồng bào chứ không phải là một ngôi sao ca nhạc ở chốn phòng trà xa hoa, lộng lẫy, sang trọng nào đó”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho biết.

Giọng hát tự vẽ ra con đường

Đó là Khánh Ly, nữ hoàng chân đất của muôn triệu sinh viên sinh viên Việt Nam cho dù trước đó và cả sau này, cô là thần tượng của hàng triệu người trong giới mộ điệu âm nhạc. Còn 40 năm sau, thêm một nữ hoàng phòng trà nữa cũng khiến triệu triệu người thổn thức khi cô cất lên tiếng hát. Đó là Lệ Quyên, với giọng ca lạ lẫm mà hấp dẫn, là cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở các phòng trà hiện nay. Quyên không quá xinh đẹp. Cô cũng không có những màn vũ đạo nóng bỏng để hấp dẫn người xem. Điều Quyên mang đến cho người hâm mộ chỉ là những ca khúc được thể hiện bằng chất giọng truyền cảm, trầm dày trời phú. Nó quyến rũ như một thứ mật ngọt được mang đến cho người nghe giữa những thực đơn đầy rẫy na ná của những vũ đạo, áo quần đang được số đông ca sĩ lựa chọn để che lấp những khiếm khuyết trong giọng hát của mình. Quyên đã tồn tại, đã ghi điểm và trở thành cái tên được nhiều người chào đón chỉ với một điều đơn giản như thế. Cô không cần bon chen bởi giọng hát của cô đã tự rẽ ra một con đường riêng biệt với số đông còn lại.

Ca sĩ Lệ Quyên 

Nhiều người rỉ tai, Quyên may mắn khi có sự hỗ trợ rất lớn từ chồng, ông chủ của một phòng trà nức tiếng Sài thành. Không rõ thực hư thế nào nhưng rõ ràng, đêm nào có Quyên ở bất cứ phòng trà nào, là đêm đó lại cháy vé.

Trước khi trở thành nữ hoàng phòng trà Việt Nam hiện nay, ít ai biết Quyên cũng trải qua những năm tháng bôn ba với nghề. Cô có chất giọng nhưng ở cái thời điểm mới chập chững vào nghề, Quyên loay hoay tìm kiếm phong cách, dòng nhạc. Đã có lúc, cô phải gác lại niềm đam mê thực sự để chạy theo thị trường, tìm kiếm khán giả. Dù khá nhiều ca khúc trong dòng nhạc ấy của cô đã thành hit nhưng điều đó vẫn chưa làm thỏa mãn cái tôi nghệ sĩ thực sự mà Quyên theo đuổi. Cho đến khi cô Nam tiến, trở thành một cái tên ăn khách ở hầu hết các phòng trà tại đây.

Có mối liên hệ nào giữa Lệ Quyên và Khánh Ly? Đó là sự đồng điệu của những người từng được vinh dự đội trên đầu vương miện nữ hoàng, cho dù đó là vương miện của nữ hoàng chân đất hay nữ hoàng phòng trà thì tất cả đều là những ân sủng của khán giả. “Thế lực” đã làm nên, đã tôn vinh họ. Và điều mà cả Khánh Ly và Lệ Quyên muốn làm đó là việc “Cúi xuống thật gần” để tri ân khán giả.