Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: “Hãy là những cánh cửa thơm mùi nắng!”02/06/2014

 

Điều gì có thể ẩn giấu sau một cánh cửa thơm mùi nắng? “Đó có thể là những bí mật nho nhỏ với một cô bé mới lớn, nhìn đời còn tươi mới, và bắt đầu học cách yêu cơ thể mình, ô cửa của mình, khoảng nắng của mình…, trước khi học yêu những thứ lớn lao hơn…” - Lê Minh Sơn nói, nhân dịp trở lại bằng live show thực hiện cho Hoàng Quyên – Á quân Idol 2013 (“Cửa thơm mùi nắng”, dự kiến diễn ra vào ngày 13/6 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội). 

 

Giữa lúc mọi người đang chung tay làm những show nhạc đỏ, hướng về biển đảo, thì anh lại tính kể một câu chuyện dường như hơi “lạc điệu” về một cánh “cửa thơm mùi nắng”, cũng là lúc VN Idol vừa tìm ra những gương mặt mới, phần nào che đi những gương mặt cũ. Vì sao?

- Để nói những điều lớn lao, tôi cho là có rất nhiều cách. Cũng như, để ôm vào lòng một cái gì thật rộng lớn, thì trước hết, cần phải biết ôm lấy những cái nhỏ bé, gần gũi bên mình. Vậy, nếu có thể, hãy là những cánh cửa thơm mùi nắng. Trước hết, cho mình. Và Hoàng Quyên bé nhỏ, có thể không đủ sức “che lấp, bao trùm” được không gian Nhà hát Lớn, nhưng riêng về giọng hát, thì tôi luôn đánh giá cô ấy là một trong những ca sĩ trẻ có nội lực nhất hiện nay, dù cô ấy có đoạt giải Idol hay không. Vì nói thật là trong đầu tôi không bao giờ có những chữ “The Voice”, “Idol”… Hoàng Quyên với tôi mãi mãi là một cô bé trong veo, bé bỏng để có thể kể rất thương, rất yêu về một cánh cửa thơm mùi nắng, một trái ổi đầu cành… 

Cái cô ấy thiếu nhất lúc này, có chăng, là sự đau khổ. Nếu như quả thật, phải trải qua khổ đau, người ta mới biết nâng niu niềm vui sướng. Chừng 5 năm nữa, tôi “dự” là Hoàng Quyên sẽ có đủ mặn mòi. Đến lúc ấy, cô ấy có thể sẽ cần một “cánh cửa” khác. 

 

 

 

 

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn và ca sĩ Hoàng Quyên

 

 Tròn 10 năm đã trôi qua kể từ khi “Ôi quê tôi” được Tùng Dương lồng lộng hát tại Sao Mai điểm hẹn 2004 và người ta vẫn chờ Lê Minh Sơn trở lại, nhất là lúc này, bằng những ca khúc hào sảng và vạm vỡ như thế. Thật ra, đôi khi, anh có thấy… nhớ mình không?

- May cho tôi là đã một lần được đến Trường Sa, cách đây 4 năm và lúc này, cảm xúc mới thật sự vỡ òa, để giúp tôi có được một ca khúc như “Biển của ta”, mà tới đây Tùng Dương sẽ thể hiện trong live show “Cửa thơm mùi nắng”. Sẽ là một “biển” vạm vỡ và mênh mang như tôi từng thấy và tôi muốn viết. Và không có lý gì để Tùng Dương không thêm lần nữa cháy sáng. Phải, đã tròn 10 năm, một con số thật đẹp để tràn đầy và trở lại... 

 “Tôi thấy buồn cho Trung Quốc”

 Trường Sa, 4 năm trước, không nổi sóng như bây giờ. Vậy lúc này, từ đất liền ngóng về phía biển, tâm trạng của anh?

- Thực sự là tôi thấy buồn cho Trung Quốc. Tôi không hiểu nổi vì sao một dân tộc sở hữu một nền văn minh, văn hóa lớn với những triết lý nhân sinh quan, thế giới quan sâu sắc như vậy mà vẫn… mãi không thành người lớn được. Đã là người khổng lồ rồi thì còn phải gào thét nữa làm gì, lại còn chơi trò trẻ con “bắn súng nước” thì quả là buồn cười và khó hiểu! 

 Có rất nhiều cách bày tỏ thái độ trước câu chuyện Biển Đông dậy sóng. Anh nghiêng về cách bộc lộ nào hơn?

- Yêu nước một cách có văn hóa, bắt đầu từ chính việc sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, gia đình mình, công việc mình làm, mảnh đất mình sống. Còn một khi bạn sống bầy bừa, thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình, người thân của mình, hay nặng hơn, là luôn tìm cách đục khoét của công thì xin lỗi, hãy khoan nói về lòng yêu nước. Văn hóa sống chẳng phải là điều đáng giá nhất ở một con người sao? Và rộng ra, là nền tảng văn hóa của cả một dân tộc, để đối thoại đàng hoàng với các nền văn hóa khác, thay vì đối đầu, bắt nạt… 

 Chẳng phải Trung Quốc cũng là một “người khổng lồ” về văn hóa đấy thôi, nhưng rốt cuộc, họ vẫn… chơi trò “bắn súng nước”?

 

- Đấy, thế nên mới đáng buồn!

 Thật ra, anh có nghĩ, ngồi trước một cái bàn phím, trong một căn phòng bật điều hòa, thì… rất dễ nói những điều lớn lao?

- Không ngoại trừ. Vì trong cuộc sống, cũng như trong nghệ thuật, chẳng thiếu gì những người chuyên đi “mượn”. Nhưng thôi, cũng chả nên phán xét người khác làm gì, nhất là những gì thuộc về cảm xúc. Vì biết đâu, với mình thì đó là “đi mượn”, nhưng với họ, lại là thật, thì sao? Cũng đừng vội hồ nghi hay thất vọng về họ. Vì trong sâu thẳm mỗi con người, rất có thể sẽ luôn tồn tại những dòng điện mạnh chờ được kích ứng. 

Mới đây, khi vừa trở về từ Điện Biên, nơi tôi là tổng đạo diễn chương trình “Núi đợi rừng chờ” kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với ngập tràn xúc cảm và nghe câu chuyện giàn khoan, tôi đã nói với con trai tôi: Nếu “biển gọi”, chắc chắn bố sẽ lên đường, bằng chính tâm hồn, cảm xúc của mình. Chuyện bình thường! Dân tộc nào cũng thế thôi, bình thường không sao, nhưng động đến thì biết tay… 

 “Cửa thơm”, chính là vì “mùi nắng”?

- Ô, sao bạn biết?

 

  •