Vũ đài của lòng dũng cảm05/07/2014

 

Vượt qua những khó khăn, Đoàn nghệ thuật xiếc Long An đã có chuyến lưu diễn tại Hà Nội. Họ đã cống hiến những đêm biểu diễn nhắc nhớ thời hoàng kim của nghệ thuật xiếc, nghẹt thở, thót tim với những diễn viên diễn thật nhất, mạo hiểm nhất gây “ép-phê” nhất cho khán giả. Ghi nhận điều này, chúng tôi đã có cuộc chia sẻ rất thật với ông Trần Văn Út, giám đốc Đoàn xiếc Nhân dân Long An.
+Đoàn xiếc Long An hiện nay là đoàn xiếc duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Phải chăng vì mong muốn khơi dậy lòng yêu nghề đối với các diễn viên trẻ nên Đoàn đã tổ chức các chuyến đi lưu diễn xa bất chấp khó khăn vất vả?

 


Nếu đi diễn ở các tỉnh miền Nam thì mình có thể diễn ở ngay trung tâm văn hóa hoặc nhà thi đấu thể thao, đồng thời cho anh em trong đoàn tá túc tạm ở ngay những địa điểm này. Anh em trong đoàn đi lưu diễn hoàn toàn phải lo kinh phí chứ không được nhà nước bao cấp, hỗ trợ như đi chế độ đi công tác. Nhưng khi lưu diễn ở ngoài Hà Nội thì đoàn không có nơi ở mà phải đi thuê mướn bên ngoài với giá rất đắt đỏ. Nếu tính rẻ nhất mỗi người cũng phải mất chi phí thuê nhà từ 70 - 80 nghìn/ngày. Như vậy với đoàn 40 người như chúng tôi thì chi phí đó trong vòng 60 ngày không phải là một con số ít ỏi, thậm chí còn ngang ngửa với số tiền đoàn thu về trong 2 tháng biểu diễn. Khó khăn rất nhiều, nhưng anh em nghệ sỹ vẫn cố gắng diễn tốt để phục vụ khán giả Thủ đô.
​+ Vượt qua những khó khăn nhưng các nghệ sỹ trẻ của đoàn diễn rất có lửa, còn trên cả sự đam mê. Thưa ông, vì sao mà họ có thể làm được tất cả những việc đó, điều mà những đoàn xiếc khác không thể làm được?
​Có một điều mà ai cũng có thể nhận thấy khi xem chúng tôi biểu diễn là tất cả các anh em trong đoàn đều rất yêu và đam mê với nghề, hầu hết nghệ sĩ đều tự kèm cặp và dạy bảo nhau để thành tiết mục, vào thời điểm này, chúng tôi chỉ có 5 nghệ sĩ  được đào tạo từ trường Xiếc, còn lại toàn bộ nghệ sĩ là những người nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long có năng khếu và đam mê nghiệp diễn.
Dù rằng, thu nhập của các nghệ sỹ không cao, nếu không muốn nói là thấp. Diễn đêm thì thù lao của diễn viên được tính theo lượng vé bán và nhu cầu lao động, ai diễn nhiều thì được hưởng nhiều, ai diễn ít thì được hưởng ít, người nào không diễn thì không hưởng. Thời gian nghệ sỹ trên sân khấu không nhiều, nên mỗi tiết mục diễn viên đều muốn cháy hết mình cho nghệ thuật.
​+ Đoàn có rất nhiều diễn viên trẻ với nhiều tiết mục nguy hiểm nhưng lại không có bảo hiểm, giống như đánh cược sinh mạng của mình với nghề. Vậy thì mức độ nguy hiểm của những tiết mục này là như thế nào và tại sao họ lại có thể làm được những điều như thế?

 


​Với những tiết mục mạo hiểm như vậy, không ai có thể chủ quan được, nhất là việc liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Nhưng các diễn viên trong đoàn dù mới hay cũ đều là những người có khả năng, đã có một thời gian dài luyện tập trước đó cho nên bằng kinh nghiệm, họ có thể căn được mức độ nguy hiểm của tiết mục mà mình sẽ vượt qua và nằm trong tầm kiểm soát của bản thân. Hơn nữa, nếu không có sự mạo hiểm đó để khán giả có những phút thót tim thì người nghệ sĩ như chúng tôi lại không cảm thấy "phê" với cái nghề được cho là rất nguy hiểm của mình. Tất nhiên, vấn đề may, rủi là điều không bao giờ có thể biết trước được nhất là khi sức khỏe của diễn viên không phải lúc nào cũng ổn định và phong độ để biểu diễn một cách tốt nhất.
​+Hiện nay, hầu như không đoàn xiếc nào ở Việt Nam còn giữ các tiết mục biểu diễn với đế trụ bởi nó có thể khiến diễn viên nam bị bệnh trĩ nhưng đoàn xiếc Long An vẫn giữ những tiết mục nặng và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe sau này của người diễn viên?
​Điều này từ xưa đến nay vẫn tồn tại nhưng vấn đề "trụ" hiện nay đã gần hết vì những người "trụ" đến nay cũng đã trên dưới 40, tìm một người "trụ" là rất khó. Nghề xiếc cũng không ai làm giàu được bằng cái nghề mà tất cả đều là do lòng đam mê, vì đam mê mà diễn, vì đam mê mà hi sinh. Ngoài ra, nếu nói về tâm linh thì những diễn viên xiếc có thể là những người sinh ra đã mang cung, mạng phải sống chết với nghề này cho nên dù khó khăn, vất vả đến mấy thì cũng không thể nào bỏ được. Sống bằng nghiệp diễn nhưng thời gian diễn của chúng tôi cũng không ổn định, nhiều khi diễn chỉ có 3 đêm nhưng phải nghỉ tới 5 đêm. Cho nên thu nhập của người nghệ sĩ chúng tôi đã thấp lại càng thấp hơn. Trung bình, mỗi diễn viên trong đoàn chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng cho một đêm diễn. Với mức thu nhập đó, hẳn mọi người cũng có thể hình dung ra cuộc sống của anh em trong đoàn khó khăn đến mức nào.
​+Ngoài những khó khăn như anh vừa nói thì sức hút của xiếc đối với công chúng cũng ngày càng giảm. Vậy thì, việc tìm nguồn nhân lực để đào tạo cho tương lai hẳn cũng rất gian nan, thưa ông?
​Thực tế cho thấy, với những diễn viên xiếc đã được đào tạo ở trường lớp, sau khi ra trường cũng không về lại Long An mà sẽ tìm đến liên đoàn xiếc Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh. Với đoàn xiếc chúng tôi thì vấn đề đào tạo tại chỗ luôn được đề cao. Những đàn anh có kinh nghiệm cũng xin kinh phí của nhà nước để đào tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những đối tượng con nhà nghèo, không được học hành. Tuy nhiên, sau một vài tháng đào tạo, chỉ một số ít các em có năng khiếu có thể theo nghề, số còn lại chúng tôi lại phải trả về gia đình. Việc đào tạo còn gặp một vấn đề khó khăn khác nữa là khi đoàn đi lưu diễn thì ở nhà, tức trường Thể dục thể thao Long An lại mở lớp học, khi đoàn về tập huấn thì các em học viên lại nghỉ hè cho nên không thể vào trường để dạy các em được. Đó là những bất cập rất khó khắc phục trong việc đào tạo thế hệ trẻ cho đoàn xiếc và là nỗi lo của những người làm quản lý như chúng tôi.

+Xin cảm ơn ông.